Khi lỗi thuộc về những vì sao
Phan_6
“Ông ấy đúng là người Hà Lan,” Gus đáp. “Giống Rik Smits. Và mấy bông hoa tulip nữa.” Gus dừng lại ở giữa khoảnh đất, ngay trước tác phẩm xương khổng lồ, và cởi ba lô trên vai ra. Anh mở khóa kéo, lấy ra một tấm phủ màu cam, nửa lít nước cam, và một vài lát bánh mì sandwich đã được cẩn thận cắt bỏ lớp vỏ bánh khô và gói gọn trong giấy kiếng.
“Sao toàn màu cam không vậy?” Tôi hỏi, vẫn không muốn đẩy trí tưởng tượng đi quá xa theo kiểu sắc màu này sẽ dẫn đến Amsterdam.
“Dĩ nhiên phải thế, màu của quốc kỳ Hà Lan mà. Em có nhớ William da cam và câu chuyện về ông ấy không?”
“Ông này không có trong bài thi Giáo dục đại cương GED.” Tôi mỉm cười, cố gắng kiềm chế sự phấn khích của mình.
“Em ăn bánh mì sandwich không?” Anh hỏi.
“Để tôi đoán xem có gì trong đó nha,” tôi tinh nghịch.
“Phô mai Hà Lan và cà chua. Nhưng cà chua nhập khẩu từ Mexico. Anh xin lỗi.”
“Anh luôn khiến tôi thất vọng, Augustus. Ít ra anh cũng mua cà chua cam chứ?”
Anh bật cười. Chúng tôi cùng nhấm nháp sandwich trong im lặng, ngắm nhìn những đứa trẻ đang đùa nghịch trên các tác phẩm điêu khắc. Tôi không tiện hỏi anh về ý nghĩa đằng sau màu cam nên tôi chỉ ngồi giữa sắc màu rất Hà Lan đó, trong lòng xao xuyến và thấp thỏm hy vọng.
Phía đằng xa, tắm mình dưới ánh mặt trời rực rỡ rất hiếm hoi và quý giá tại quê hương chúng tôi, lũ trẻ đã biến kiệt tác bộ xương thành sân chơi của chúng, hào hứng chui qua chui lại giữa các khối xương điêu khắc.
“Cả hai điều anh thích về tác phẩm điêu khắc này,” Augustus nói. Anh đang kẹp điếu thuốc không-bao-giờ-được-châm giữa các ngón tay, búng búng nó như thể đang gạt tàn rồi ngậm lại trên miệng. “Thứ nhất là các khối xương được sắp đặt trong một khoảng cách vừa tầm, sao cho con nít cứ gặp là sẽ thích thú nhảy nhót trong đó. Giống như bọn chúng có thể dễ dàng từ xương sườn nhảy phóc lên xương hộp sọ. Điều này đồng nghĩa với việc, thứ hai, tác phẩm điêu khắc này thực chất nhằm khuyến khích trẻ em chơi với xương. Và những hình ảnh biểu trưng này sẽ tồn tại vĩnh viễn theo thời gian, Hazel Grace à.”
“Anh có vẻ thích các biểu tượng nhỉ!” Tôi nói, hy vọng hướng cuộc trò chuyện quay trở lại những biểu tượng mang màu sắc Hà Lan của buổi dã ngoại.
“Đúng rồi, nói về biểu tượng. Có lẽ em đang tự hỏi sao mình phải ăn một cái bánh sandwich phô mai dở òm, uống nước cam ép và tại sao anh lại mặc áo thể thao của một vận động viên Hà Lan trong môn thể thao mà anh ghét cay ghét đắng.”
“Tôi có nghĩ đến chuyện này,” tôi thú nhận.
“Hazel Grace, giống như rất nhiều trẻ em trước đó – anh xin nói điều này bằng một tình cảm chân thành – là em đã sử dụng Điều Ước quá vội vã mà chẳng bận tâm đến hậu quả sau đó. Thần Chết lởn vởn trước mặt em cùng nỗi sợ sẽ sớm lìa đời mà vẫn chưa sử dụng Điều Ước trong túi đã khiến em vội vàng chọn thứ em nghĩ ra trong đầu. Và em, cũng như mọi đứa trẻ khác, đã chọn niềm vui tầm thường và giả tạo của công viên giải trí.”
“Tôi thực sự đã có một khoảng thời gian tuyệt vời trong chuyến đi đó. Tôi đã gặp Goofy và Minn—”
“Anh chưa xong bài độc thoại mà! Anh đã viết bài phát biểu hùng hồn này ra giấy và học thuộc lòng nó. Nên nếu em cắt lời anh thì anh sẽ quên sạch sành sanh,” Augustus chen ngang. “Xin cứ thưởng thức miếng sandwich của em và lắng nghe thôi.” (Miếng bánh sandwich đã chai ngắc chai ngơ nhưng tôi vẫn mỉm cười và cắn một miếng.) “Okay, anh nói tới đâu rồi?”
“Niềm vui giả tạo.”
Anh cất điếu thuốc vào trong bao. “Phải rồi, niềm vui tầm thường và giả tạo của công viên giải trí. Nhưng anh xin trịnh trọng trình bày rằng những anh hùng thực sự của Công Xưởng Sản Xuất Điều Ước là những người đang ở độ tuổi thanh xuân. Họ sẵn sàng chờ đợi như Vladimir và Estragon chờ đợi Godot trong vô vọng hay như những thiếu nữ Kitô giáo thánh thiện chờ đợi hôn nhân. Những vị anh hùng trẻ tuổi kiên nhẫn chờ đợi, mà không hề ca thán, đến ngày nào đó một Điều Ước thật sự sẽ xuất hiện. Có thể Điều Ước sẽ không bao giờ xuất hiện nhưng ít nhất họ có thể ‘nhắm mắt xuôi tay’ yên nghỉ dưới mồ vì biết rằng sự vẹn nguyên của Điều Ước như một lí tưởng.
“Nhưng ngược lại, có thể ý định đó sẽ xuất hiện một ngày nào đó: Có thể em sẽ nhận ra rằng Điều Ước thật sự của em là viếng thăm Peter Van Houten đang sống ở Amsterdam. Khi đó, em sẽ vui sướng biết bao khi đã bảo lưu Điều Ước của mình.”
Augustus dừng lại đủ lâu để tôi nhận ra bài độc thoại đã kết thúc. “Nhưng tôi đã không bảo lưu Điều Ước của mình,” tôi buồn bã nói.
“Ừ,” anh đáp. Và sau một lúc im lặng, như một quãng ngắt nhịp cố ý, anh nói thêm, “Nhưng anh còn.”
“Thật không?” Tôi ngạc nhiên rằng Augustus cũng hội đủ điều kiện được ban tặng Điều Ước, khi anh vẫn đang đến trường và bệnh tình cũng đã thuyên giảm một năm rồi. Người nào phải bệnh rất trầm kha thì mới được các vị thần Genie ban tặng cho Điều Ước nhằm vực dậy tinh thần bệnh nhân.
“Anh phải đánh đổi chân mình để nhận Điều Ước,” anh giải thích. Ánh mặt trời rọi thẳng vào mặt khiến anh phải nheo mắt nhìn tôi. Khi đó, mũi anh chun lại trông thật đáng yêu. “Bây giờ, không phải là anh sẽ tặng em Điều Ước của anh đâu. Nhưng anh cũng muốn đến gặp Peter Van Houten. Và thật không còn ý nghĩa nếu anh đi gặp ông mà không có cô gái đã giới thiệu cuốn sách của ông cho anh đi cùng.”
“Chắc chắn là không rồi,” tôi nói.
“Vì vậy, anh đã trao đổi với các vị thần Genie và họ hoàn toàn đồng ý. Họ cho biết Amsterdam rất đẹp vào đầu tháng Năm. Họ đề nghị nên đi vào ngày ba tháng Năm và trở về ngày bảy tháng Năm.”
“Augustus, thật chứ?”
Anh đưa tay lên chạm vào má tôi và trong một tích tắc tôi nghĩ rằng anh sẽ hôn tôi. Cả người tôi căng ra, và tôi nghĩ anh cũng nhận thấy thế vì anh rút tay về.
“Augustus,” tôi nói. “Thật ra, anh không cần làm vậy.”
“Dĩ nhiên,” anh đáp. “Nhưng anh đã tìm thấy Điều Ước cho chính mình.”
“Ôi Chúa ơi, anh thật tuyệt vời!” Tôi khen anh.
“Anh cá là em sẽ nói thế với mọi chàng trai nào tài trợ cho em đi du lịch nước ngoài,” anh trêu.
Chương 6
Khi tôi về đến nhà, Mẹ đang vừa xếp quần áo cho tôi vừa theo dõi chương trình truyền hình Chuyện trò. Tôi kể Mẹ nghe về hoa tulip, nghệ sĩ điêu khắc Hà Lan và toàn bộ câu chuyện là vì Augustus sẽ sử dụng Điều Ước của anh để đưa tôi đến Amsterdam. “Vậy thì hơi quá!” bà nói, lắc đầu nguầy nguậy. “Chúng ta không thể chấp nhận đề nghị đó từ một người vẫn còn xa lạ.”
“Anh ấy không phải là người xa lạ. Anh ấy rõ ràng là người bạn thân thứ hai của con mà.”
“Sau Kaitlyn à?”
“Sau Mẹ cơ,” tôi nói. Đó là sự thật, nhưng chủ yếu tôi nói vậy là vì tôi muốn đi Amsterdam.
“Mẹ sẽ hỏi ý kiến Bác sĩ điều trị Maria,” một lúc sau bà nói.
…
Bác sĩ điều trị Maria tuyên bố rằng tôi không thể đi đến Amsterdam mà không có một người lớn rất am hiểu bệnh tình của tôi theo cùng. Trong trường hợp này bà ám chỉ Mẹ tôi hoặc chính Bác sĩ điều trị Maria. (Ba tôi hiểu về bệnh ung thư của tôi chỉ ngang ngửa tôi: một cách mơ hồ và không toàn diện như hiểu biết sơ sài của mọi người về mạch điện và thủy triều vậy. Nhưng Mẹ tôi biết về ung thư biểu mô tuyến giáp thể biệt hóa ở thanh thiếu niên không kém gì các bác sĩ chuyên khoa ung thư.)
“Vậy Mẹ sẽ đi cùng con,” tôi nói. “Các vị thần Genie sẽ trả mọi chi phí, họ thiếu gì tiền cơ chứ.”
“Nhưng còn Ba con,” Mẹ nói. “Ba sẽ nhớ chúng ta lắm. Thật không công bằng với Ba khi Ba không thể xin nghỉ phép được.”
“Mẹ đang đùa à? Thế Mẹ không nghĩ đến viễn cảnh Ba sẽ thích thú tận hưởng mấy ngày được xem chương trình truyền hình mà không có mấy cô người mẫu chân dài uốn éo, được gọi bánh pizza mỗi tối và ăn trên khăn giấy để không phải rửa chén à?”
Mẹ bật cười.
Cuối cùng, Mẹ cũng thấy hào hứng, cứ lục tục lưu danh sách những việc cần làm vào điện thoại di động: nào là phải gọi cho ba mẹ của Gus và liên hệ với các vị thần Genie khác về nhu cầu chăm sóc y tế của tôi, hỏi xem họ có đặt khách sạn chưa, cuốn cẩm nang du lịch nào bổ ích nhất; nào là chúng tôi cần bắt tay nghiên cứu tỉ mỉ vì chỉ có vỏn vẹn ba ngày tham quan, vân vân. Tôi thấy đầu óc váng vất cả lên nên tôi uống vài viên Advil rồi quyết định đi đánh một giấc cho khỏe.
Nhưng kết cục tôi chỉ nằm trên giường và hồi tưởng về toàn bộ buổi dã ngoại với Augustus. Tôi không ngừng suy nghĩ về khoảnh khắc tôi căng thẳng khi anh chạm vào tôi. Sự đụng chạm khẽ khàng quen thuộc ấy có gì đó không đúng. Tôi nghĩ có lẽ do cách dàn dựng toàn bộ câu chuyện: Augustus rất tuyệt vời, nhưng anh đã biến tất cả mọi thứ trong buổi dã ngoại thành thái quá, từ những lát sandwich mang hình ảnh ẩn dụ hay ho nhưng mùi vị dở tệ, đến bài độc thoại đã thuộc lòng như cháo nên vô tình ngăn cản cơ hội tâm sự của chúng tôi. Kịch bản nhằm mang lại cảm giác Lãng mạn nhưng thực tế hóa ra lãng xẹt.
Nhưng sự thật là tôi chưa bao giờ muốn anh ấy hôn tôi, không phải theo kiểu thông thường chúng ta muốn những điều này. Ý tôi là, anh rất tuyệt vời. Tôi hoàn toàn bị anh chinh phục. Tôi nghĩ về anh theo hướng đó, xin mượn cách nói thời trung học để diễn tả. Thế nhưng sự tiếp xúc bằng tay, sự đụng chạm thật sự… tất cả đều chệch hướng.
Thế là tôi bắt đầu lo lắng rằng tôi sẽ phải hôn anh để đến được Amsterdam. Và chẳng ai muốn suy diễn theo chiều hướng này cả, bởi vì (a) tôi thậm chí không nên đặt ra câu hỏi liệu mình có muốn hôn anh Gus hay không, muốn hôn là hôn mà không cần lăn tăn chi hết, và (b) hôn một anh chàng để được tài trợ một chuyến du lịch miễn phí thì cũng nguy hiểm như đang bán thân vậy. Và phải thú nhận rằng dù không nghĩ mình là một người hoàn toàn tốt nhưng tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra lần đầu tiên thực sự có hoạt động dục tính lại chẳng khác gì mại dâm.
Nhưng rồi anh đã không thử hôn tôi. Anh chỉ đưa tay chạm nhẹ vào khuôn mặt tôi, khẽ khàng đến mức không thể xem là hành vi tình dục. Nó không phải là một động thái nhằm khuấy động hay kích thích tôi, nhưng chắc chắn là một động thái được trù tính trước, bởi vì Augustus Waters không phải kiểu người tùy hứng. Vậy anh muốn truyền đạt thông điệp gì cho tôi? Và tại sao tôi đã không muốn chấp nhận nó?
Ở một khía cạnh nào đó, tôi nhận ra mình đang ‘soi’ buổi gặp gỡ như Kaitlyn nên tôi quyết định nhắn tin cho nhỏ để yêu cầu trợ giúp. Nhỏ gọi lại ngay.
“Mình gặp rắc rối với con trai,” tôi nói.
“THÚ VỊ NHA!” Kaitlyn trả lời. Tôi kể cho nhỏ nghe từ đầu đến cuối, kết thúc ở hành động chạm mặt gây lúng túng, chỉ chừa không tiết lộ chuyến đi Amsterdam và tên anh Augustus. “Này, bồ có chắc là anh ấy phong độ không?” Nhỏ hỏi khi vừa kết thúc câu chuyện.
“Chắc mà!” Tôi khẳng định.
“Theo kiểu thể thao à?”
“Ừ, hồi xưa ảnh chơi bóng rổ cho đội North Central cơ mà.”
“Chu choa. Thế sao bồ gặp được anh này?”
“Ở cái Hội Tương Trợ kinh dị á.”
“Hừm,” Kaitlyn nói. “Mình tò mò chút, thế anh chàng này còn bao nhiêu chân vậy?”
“Khoảng 1,4 chân,” tôi nói, không khỏi mỉm cười. Mấy tay cầu thủ bóng rổ rất nổi tiếng ở Indiana. Và tuy Kaitlyn không học ở North Central nhưng mối quan hệ xã hội của nhỏ thì rộng bao la.
“Augustus Waters,” nhỏ hào hứng nói.
“Ừm, chắc vậy!”
“Ôi Chúa ơi. Mình đã từng thấy anh này ở mấy buổi tiệc. Những điều mình sẽ làm với anh chàng đó à, ý mình là không phải bây giờ khi mình biết bồ đang để ý ảnh. Mà ôi, lạy Chúa chứng giám, mình sẽ ‘cưỡi’ chú ngựa một chân đó cả ngày lẫn đêm cho coi.”
“Kaitlyn,” tôi nhắc.
“Xin lỗi. Bồ có muốn ‘nằm trên’ không?”
“Kaitlyn,” tôi lại kêu lên.
“Chúng ta đang nói về chuyện gì ấy nhỉ. À phải rồi, chuyện bồ và Augustus Waters. Hay là… bồ không thích con trai?”
“Mình không nghĩ vậy đâu. Ý là, rõ ràng là mình thích ảnh mà.”
“Hay tại tay ảnh gớm quá? Thỉnh thoảng người đẹp vẫn có bàn tay xấu xí nha.”
“Không, bàn tay ảnh khá là đẹp.”
“Hừm,” nhỏ khẽ hắng giọng.
“Hừm,” tôi nhại theo.
Sau một lúc, Kaitlyn lên tiếng, “Còn nhớ Derek không? Hắn chia tay với mình tuần trước bởi vì hắn thấy về cơ bản chúng mình không hợp nhau, tận sâu trong tâm hồn ấy. Và càng quen lâu sẽ càng bị tổn thương nhiều hơn mà thôi. Hắn gọi đó là chia tay ‘phòng ngừa’. Nên có thể bồ cũng linh cảm rằng giữa hai người có điểm gì đó cơ bản không hợp nhau. Và bồ đang giành quyền chia tay trước, kiểu vậy á.”
“Hừm,” tôi trầm ngâm.
“Mình chỉ nghĩ sao nói vậy thôi.”
“Chia buồn về vụ Derek nha.”
“Ồ, mình đã vượt qua chuyện đó rồi, bồ đừng lo. Mất đứt bốn mươi phút và làm bẩn của mình một tay áo Thin Mints của đội Hướng Đạo Nữ để mình xóa hình ảnh của hắn vĩnh viễn ra khỏi trái tim mình.”
Tôi cười. “Thôi được rồi, cám ơn bồ nha, Kaitlyn.”
“Trong trường hợp bồ có ‘abc xyz’ với ảnh thì phải kể mình nghe mấy chi tiết tò tí te đó nha.”
“Nhưng dĩ nhiên là,” tôi đang nói thì nghe tiếng Kaitlyn hôn gió ở đầu dây bên kia. “Tạm biệt bồ,” nhỏ nói và cúp máy.
…
Trong khi nghe ‘quân sư quạt mo’ Kaitlyn nói, tôi chợt nhận ra mình đã không dự cảm trước việc làm tổn thương anh Gus. Thay vì tiền linh cảm, tôi chỉ toàn hậu linh cảm thôi.
Thế là tôi bật máy tính xách tay lên và tìm tên Caroline Mathers. Chị ấy giống tôi như tạc: khuôn mặt tròn trĩnh vì tác dụng phụ của thuốc, mũi cũng giống, dáng vóc nhìn chung cũng hao hao giống. Có điều mắt chị màu nâu sẫm (mắt tôi màu lục) và da chị sậm hơn nhiều – chắc là người Ý hay sao đó.
Hàng ngàn người – chính xác là hàng ngàn – đã để lại thông điệp chia buồn cho chị. Danh sách những người tưởng nhớ chị kéo dài vô tận, nhiều đến mức tôi mất một tiếng đồng hồ mới rê chuột được từ trang sự ra đi của bạn là niềm tiếc thương vô hạn trở ngược lại trang Cầu cho bạn sớm khỏe lại. Chị ấy qua đời một năm trước vì bệnh ung thư não. Tôi có thể vào xem một số hình của chị. Augustus xuát hiện liên tục trong loạt hình cũ: tấm thì anh đang giơ ngón cái khen ngợi một vết sẹo lõm trên cái đầu trọc lóc của chị; tấm thì hai người tay trong tay tại sân chơi của Bệnh viện Memorial, xoay lưng về phía ống kính; tấm nữa hai anh chị đang hôn nhau thắm thiết trong khi Caroline cầm máy ảnh giơ ra xa nên chỉ có thể nhìn thấy mũi và cặp mắt nhắm nghiền của họ.
Những tấm gần đây nhất đều là hình của chị khi còn khỏe mạnh, và do bạn bè tải lên sau khi chị qua đời: một cô gái xinh đẹp, ‘thắt đáy lưng ong’, với mái tóc suôn dài, đen nhánh, lòa xòa trước mặt. Khi còn khỏe mạnh, trông chúng tôi chẳng có điểm nào giống nhau cả. Tuy nhiên, diện mạo sau cơn bệnh ung thư của chúng tôi lại giống nhau như hai giọt nước. Hèn gì anh ấy cứ nhìn tôi chằm chặp ngay lần đầu gặp tôi.
Tôi tiếp tục nhấn chuột cho đến một lời nhắn được viết cách đây hai tháng, tức chín tháng sau khi chị mất, từ một trong số bạn bè của chị: Chúng mình nhớ bạn rất nhiều. Niềm thương nhớ này chưa bao giờ vơi, cứ giống như tất cả bọn mình đều bị thương trong cuộc chiến cùng bạn, Caroline. Mình nhớ bạn. Mình yêu bạn.
Một lát sau, Ba Mẹ gọi tôi ra ăn tối. Tôi tắt máy tính và đứng dậy. Thế nhưng đầu óc tôi vẫn ong ong suy nghĩ về lời nhắn đó. Phần nào lời lẽ trong đó khiến tôi bấn loạn và không thấy đói bụng.
Tôi không ngừng nghĩ về cái vai vẫn còn đau của mình, và tôi vẫn còn đau đầu. Nhưng có lẽ tại tôi đã suy tư về một cô gái chết vì bệnh ung thư não nên tôi thấy đau ở đầu. Tôi cố nhắc mình phải phân thân: với một nửa hiện đang ngồi nơi bàn tròn (dù đường kính có thể bị xem là quá lớn cho ba người và chắc chắn là cực kỳ lớn cho hai người) ăn bông cải xanh mềm nhũn cùng bánh burger đậu đen khô khốc mà đoán chắc mọi loại xốt cà chua trên thế giới đều không thể làm nó mềm ra. Tôi tự trấn an là những tưởng tượng về một khối u ác tính trong não hay trong vai của tôi cũng sẽ không ảnh hưởng đến thực tế vô hình đang diễn ra bên trong cơ thể tôi. Và do đó, tất cả những suy nghĩ mông lung như vậy sẽ làm lãng phí những khoảnh khắc trong cuộc đời vốn được xâu kết bằng một chuỗi hữu hạn các khoảnh khắc như vậy. Tôi thậm chí cố nhắc nhở bản thân mình hãy sống thật tốt cho ngày hôm nay.
Trong một lúc lâu, tôi không thể hiểu tại sao những gì một người lạ nhắn trên mạng Internet cho một người lạ khác (nay đã chết) lại xáo động tôi nhiều vậy và khiến tôi lo lắng rằng có gì đó bất thường trong não tôi – và tôi thấy đau đầu thật sự. Mặc dù theo kinh nghiệm từ nhiều năm bệnh tật triền miên, tôi biết bản thân nỗi đau là một thiết bị chẩn đoán mông lung và nhăng nhít.
Bởi vì hôm đó không có động đất xảy ra ở Papua New Guinea nên Ba Mẹ đặc biệt để ý đến tôi. Và tôi không thể che giấu sự bồn chồn lo lắng của mình.
“Mọi chuyện vẫn ổn chứ con?” Mẹ hỏi khi tôi đang ăn.
“Dạ, dạ,” tôi nói. Tôi cắn một miếng burger. Nhai và nuốt. Cố gắng nói điều gì đó mà một người bình thường không đang trong cơn hoảng loạn sẽ nói. “Burger có kẹp bông cải xanh phải không ạ?”
“Mấy miếng à,” Ba nói. “Ba hơi hồi hộp khi con được đi Amsterdam.”
“Dạ,” tôi nói. Tôi có không nghĩ đến từ ‘bị thương’ nhưng tất nhiên nỗ lực đó sẽ khiến ta lại suy nghĩ về từ này.
“Hazel,” Mẹ chen vào. “Tâm trí con đang ở đâu vậy?”
“Dạ đang lang thang suy nghĩ,” tôi nói.
“Chắc đang xốn xang,” Ba vừa cười vừa nói.
“Con không phải thỏ con. Con cũng không phải đang yêu Gus Waters hay ai cả,” tôi trả lời, hơi tự vệ quá mức. Bị thương. Giống như Caroline Mathers là một quả bom và khi phát nổ, chị để lại những mảnh vỡ trong lòng bạn bè và người thân.
Ba hỏi có phải tôi đang có bài tập nào hóc búa ở trường không. “Con có một bài tập về nhà môn Đại số cao cấp,” tôi nói với ông. “Cao cấp đến mức con không thể giải thích cho một người không chuyên hiểu đâu.”
“Thế anh chàng Isaac bạn con sao rồi?”
“Dạ mù rồi,” tôi đáp.
“Hôm nay con nói chuyện rất là xì-tin,” Mẹ nói. Bà có vẻ khó chịu.
“Không phải Mẹ mong con như vậy sao? Mẹ mong con sống xì-tin mà?”
“Ừ, không nhất thiết phải xì-tin theo kiểu này, nhưng dĩ nhiên Ba Mẹ rất vui mừng khi thấy con sống như một thiếu nữ, chịu kết bạn và hẹn hò bạn trai.”
“Con sẽ không cặp bồ cặp bịch gì hết,” tôi đáp. “Con không muốn cặp bồ với ai hết. Thật là một ý tưởng khủng khiếp và một sự lãng phí thời gian và —”
“Con yêu,” Mẹ dịu dàng hỏi, “Có chuyện gì vậy?”
“Con giống như…giống như…Con giống như là một quả bom hẹn giờ vậy đó Mẹ. Con là một quả bom và đến một lúc nào đó, con sẽ nổ tung. Và con muốn giảm thiểu thương vong, được chưa?”
Ba tôi hơi ngoẹo cổ sang một bên, chăm chú lắng nghe như một chú chó con đang bị quở mắng.
“Con là một quả bom,” tôi lặp lại. “Con chỉ muốn tránh xa mọi người, lẳng lặng đọc sách, suy ngẫm về cuộc đời, quanh quẩn bên cạnh Ba Mẹ thôi. Bởi vì không cách gì tránh khỏi viêc con sẽ làm Ba Mẹ đau lòng cả; Ba Mẹ đã sống quên mình vì con. Cho nên con chỉ xin Ba Mẹ hãy cho con được toại nguyện, được không? Con không phải đang chán đời đâu. Con chỉ không muốn đi ra ngoài giao thiệp nhiều quá. Và con không thể là một thiếu nữ bình thường được, bởi bản thân con là một quả bom.”
“Hazel,” Ba nghẹn ngào gọi tên tôi. Ba tôi, ông rất hay khóc.
“Giờ con sẽ về phòng và đọc sách, được không? Con khỏe. Con thật sự khỏe. Chỉ là con muốn đọc sách một lúc.”
Tôi cố gắng tập trung đọc một cuốn tiểu thuyết. Nhưng bi kịch là chúng tôi sống trong một ngôi nhà có tường ngăn cách mỏng đến mức tôi có thể nghe thấy tiếng Ba Mẹ thì thầm sau đó. Ba tôi nói, “Lời con bé cắt từng đoạn ruột của anh,” và Mẹ tôi ngăn, “Không nên để con nghe mấy lời này,” và Ba tôi nói, “Anh xin lỗi, nhưng mà—” và Mẹ tôi hỏi, “Anh không thấy biết ơn vì con bé còn sống với chúng ta à?” và Ba tôi đáp. “Chúa chứng giám, tất nhiên anh rất biết ơn Ngài rồi.” Tôi tiếp tục cố gắng tập trung vào cuốn tiểu thuyết nhưng tôi không thể ngừng nghe Ba Mẹ.
Tôi vừa bật máy tính lên nghe nhạc. Và vừa mở bạn nhac yêu thích của Augustus, The Hectic Glow, tôi vừa quay lại xem trang phúng điếu của Caroline Mathers. Tôi đọc những lời ngợi khen chị như một nữ anh hùng trong cuộc chiến của chính mình, chị được mọi người thương nhớ nhiều như thế nào, và giờ đây chị đã đến một nơi tốt đẹp hơn, nhưng chị sẽ sống mãi mãi trong kí ức của mọi người, và tất cả những người quen biết chị - tất cả - đều bị đánh gục trước sự ra đi của chị.
Lẽ ra tôi nên ghét Caroline Mathers hoặc sao đó vì chị ấy đã quen với Augustus. Nhưng tôi chẳng thấy vậy. Tôi không thể hình dung về chị ấy rõ ràng lắm qua những lời phúng điếu, nhưng cũng chẳng có gì đáng ghét cả. Chị ấy chỉ có vẻ là bệnh nhân chuyên nghiệp giống tôi. Và điều này khiến tôi lo lắng rằng khi tôi chết đi, mọi người chẳng có gì nhiều nhặn để nói với tôi. Ngoại trừ thành tích tôi đã chiến đấu anh dũng với căn bệnh, như thể điều duy nhất tôi từng cống hiến là Bị Ung Thư.
Dù thế nào đi chăng nữa, cuối cùng tôi chuyển sang đọc nhật ký ghi chép của Caroline Mathers. Thật ra hầu hếu đều do ba mẹ của chị viết. Tôi đoán có lẽ chứng ung thư não của chị là loại sẽ khiến mình không còn là chính mình trước khi tước đi sự sống của mình.
Và mọi nhật ký ghi chép đều tương tự nhau, chị Caroline liên tục bị rối loạn hành vi. Chị phải đấu tranh vật vã với sự giận dữ và thất vọng khi không còn có thể nói chuyện (chúng ta cũng sẽ thất vọng về những điều này, tất nhiên rồi. Nhưng chúng ta có nhiều cách đối phó với cơn giận mà xã hội chấp nhận hơn). Gus đã gọi Caroline là HULK SMASH và biệt danh này lan truyền đến tai các bác sĩ. Không có gì dễ dàng trong chuyện này đối với người trong cuộc, nhưng hãy cứ pha trò đi khi nào còn có thể. Hy vọng chúng tôi sẽ cùng về nhà vào thứ Năm. Chúng tôi sẽ báo cho mọi người biết…
Và không cần nói thêm, chị đã không về nhà vào thứ năm.
Vì vậy, tất nhiên tôi căng thẳng khi anh chạm vào tôi. Vì ở bên cạnh anh thì tôi không tránh khỏi sẽ làm tổn thương anh. Và đó là những gì tận trong thâm tâm tôi nghĩ khi anh đưa tay lên mặt tôi: tôi cảm thấy như thể tôi đang thực hiện một hành vi bạo lực chống lại anh, bởi vì thực sự là vậy.
Tôi quyết định nhắn tin cho anh. Tôi muốn tránh nói về nó.
Chào anh! Okay, tôi không biết liệu anh có hiểu không nhưng tôi không thể hôn anh hay làm bất cứ gì khác. Không nhất thiết anh sẽ muốn vậy nhưng tôi không thể.
Khi tôi cố gắng nhìn dưới góc độ đó, tôi chỉ thấy những gì tôi sẽ đẩy anh vào. Có lẽ anh không hiểu hết đâu.
Dù sao đi nữa cũng xin lỗi anh.
Một lúc sau anh trả lời.
Okay.
Tôi nhắn lại.
Okay.
Anh nhắn trả:
Ôi Chúa ơi, đừng tán tỉnh anh nữa!
Tôi chỉ nói:
Okay.
Vài phút sau, điện thoại của tôi rung lên.
Anh đùa thôi, Hazel Grace. Anh hiểu mà (Nhưng cả hai chúng ta đều biết rằng Okay là một từ rất tán tỉnh. Okay làm BÙNG CHÁY ngọn lửa tình.)
Tôi rất muốn nhắn Okay một lần nữa. Thế là tôi hình dung anh tại tang lễ của tôi, và điều đó đã giúp tôi nhắn lại đúng đắn hơn.
Xin lỗi anh.
…
Vẫn đeo tai nghe, tôi cố ru mình ngủ. Nhưng một hồi sau, cả Ba và Mẹ đều vào phòng tôi. Mẹ với lấy Bluie từ kệ và ôm nó và lòng trong khi Ba ngồi xuống chiếc ghế ở bàn học. Ông không khóc nữa và điềm tĩnh nói, “Đối với Ba Mẹ, con không phải là một quả bom đâu. Nghĩ đến chuyện con đang chết dần chết mòn khiến Ba Mẹ rất buồn, Hazel à, nhưng con không phải bom đạn gì hết. Con rất tuyệt vời. Con không thể biết được, con yêu ạ, bởi vì con chưa bao giờ sinh ra một đưa con mà khi lớn lên lại trở thành một độc giả trẻ xuất sắc với một thú vui tao nhã là xem các chương trình truyền hình siêu nhảm. Thế nhưng niềm vui mà con mang lại cho Ba Mẹ lớn hơn nhiều so với nỗi buồn chúng ta cảm thấy về căn bệnh của con.”
“Được rồi Ba,” tôi nói.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian